Thông tin về Kế hoạch thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ

Ngày 18/02/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 225/QĐ-LĐTBXH ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP ngày 03/12/2020 của Thanh tra Chính phủ với mục đích yêu cầu xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra đầy đủ, đúng quy định và kịp thời có các biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật được đề cập trong Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP.

Kế hoạch thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ bao gồm những nội dung sau:

  • Về xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách để tăng cường hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, công tác quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như xử lý vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  • Về xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu, thực hiện công tác quản lý đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  • Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý một số vấn đề còn tồn đọng trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong bản Kế hoạch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Cục Quản lý lao động ngoài nước và Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch thực hiện các kiến nghị trong Kết luận số 2112/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Trước đó, ngay sau khi kết thúc thời điểm thanh tra, đầu năm 2019, Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước và Thanh tra Bộ, thảo luận, làm rõ và đề ra các biện pháp nhằm kịp thời khắc phục những vấn đề còn tồn tại, các khuyết điểm, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà Đoàn Thanh tra đã chỉ ra trong quá trình làm việc.

Về công tác xây dựng thể chế, tháng 4 năm 2020 Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007), theo đó thủ tục hành chính trong việc cấp, đổi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được cải cách theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, rút ngắn thời gian xử lý; thủ tục và điều kiện đối với doanh nghiệp đưa lao động sang Đài Loan, Nhật Bản và giúp việc gia đình sang các nước thuộc khu vực Trung Đông được quy phạm từ các văn bản hướng dẫn thị trường đã được Bộ ban hành trước ngày 01/7/2016. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng và dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ đã loại bỏ hoàn toàn quy định về việc người lao động phải hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ; bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải đổi Giấy phép khi thay đổi đăng ký doanh nghiệp; bổ sung các hành vi cấm đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bổ sung các trường hợp doanh nghiệp vi phạm dẫn đến việc thu hồi Giấy phép. Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi)- Luật số 69/2020/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua vào kỳ họp thứ 10, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Về mặt thực thi, từ 01/3/2020, toàn bộ đăng ký hợp đồng thị trường Nhật Bản và Đài Loan (chiếm trên 95% tổng số lượt thủ tục hành chính trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài) đã được đưa lên cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện trực tuyến ở mức độ 3.

Các kiến nghị về cơ chế, chính sách đã được tiếp thu và thể chế hóa vào Luật số 69/2020/QH14 Về Người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng(trong đó có nội dung về phí môi giới đã được qui định phù hợp với qui định của các nước tiếp nhận) và sẽ tiếp tục được cụ thể hóa vào các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật (gồm 01 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 02 Thông tư) dự kiến ban hành trong năm 2021.

Thực hiện kế hoạch nói trên, Thanh tra Bộ và Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, những doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoạt động hoặc có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị thu hồi Giấy phép hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo qui định của pháp luật Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thanh tra toàn diện việc các doanh nghiệp thu và chuyển tiền môi giới ra nước ngoài.

Với tinh thần cầu thị, khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Cục QLLĐNN đã nghiêm túc tiếp thu và triển khai thực hiện các kiến nghị được nêu tại Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP ngày 03/12/2020 (thông báo ngày 4/3/2021) nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp hoạt động dịch vụ có năng lực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.

Về chúng tôi
Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, Công ty ngày một lớn mạnh về quy mô cũng như chiều sâu. Cùng với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đổi mới đất nước, trên con đường xây dựng hạ tầng cơ sở, Công ty đã tham gia xây dựng các công trình giao thông, công trình dân dụng, công...
Đăng ký tư vấn

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn

02436251344